Tác phẩm báo chí là sản phẩm trí tuệ của nhà báo và cơ quan báo chí, được pháp luật bảo hộ quyền tác giả, trong đó có quyền về tài sản (kinh doanh, thu phí…). Thế nhưng, trong bối cảnh internet và công nghệ phát triển, cùng với sự phát triển của mạng xã hội và những website giả dạng báo chí, nạn xâm phạm quyền tác giả trong hoạt động báo chí đang trong tình trạng rất nghiêm trọng.

Sản phẩm độc quyền bị xâm hại

Hiện nay, ngoài những tờ báo được cấp kinh phí hoạt động, một số cơ quan báo chí phải tạo ra nguồn thu từ tiền bán báo giấy và doanh thu quảng cáo trên báo giấy và báo online để tồn tại, hoạt động và phát triển.

Muốn có doanh thu từ quảng cáo trên báo online, tờ báo đó phải có lượng người xem/ đọc (view) lớn, tin tức, bài viết có chất lượng và đặc biệt là có nhiều sản phẩm độc quyền. Tuy nhiên, thực trạng gây đau đầu cho các tờ báo là một số bài báo thu hút dư luận vừa đăng trên các báo như Người Lao Động, Tuổi Trẻ, Pháp Luật TP HCM… chỉ vài phút sau, nội dung bài báo đã xuất hiện trên các trang tin điện tử, website giả danh cơ quan báo chí (không có giấy phép hoạt động báo chí)… với tít và nội dung gần như y chang. Điều này chứng tỏ bài báo gốc của chủ sở hữu hợp pháp đã bị “ăn cắp” nhanh như chớp và xuất bản lại. Ngoài ra, không ít trường hợp bài của báo này bị báo kia lấy lại rồi “xào nấu”, thay tên tác giả để trở thành sản phẩm của mình.

Vi phạm bản quyền báo chí trên các mạng xã hội như YouTube, Facebook… cũng đang là một thách thức không hề nhỏ đối với cơ quan báo chí. Thay vì “bê nguyên” bài báo gốc và dẫn nguồn, chủ các trang Facebook hay kênh YouTube, thường của cá nhân, sẽ “chuyển hóa” từ báo viết sang báo hình bằng cách đọc lại nguyên văn và chèn vào những đoạn bình luận, phân tích của mình. Hầu hết những kênh YouTube về thời sự hiện nay là của các cá nhân người Việt ở nước ngoài, trong đó có những kênh thu hút lượng người xem rất nhiều, có thể lên tới hàng trăm ngàn view cho mỗi clip được đăng. Thông qua chức năng “kiếm tiền” của YouTube, các chủ kênh có thể kiếm tiền từ việc cho YouTube chèn quảng cáo vào các clip của mình; tức là họ đã tạo ra thu nhập bằng cách tự ý sử dụng những tác phẩm báo chí của các tờ báo tại Việt Nam mà không trả phí tác quyền cho chủ sở hữu chân chính.

Hậu quả, thay vì người đọc tập trung đọc các bài báo có bản quyền từ chính chủ thì sẽ bị dàn trải qua các trang khác trên mạng internet, gây giảm lượng người xem/ đọc. Về mặt kinh tế, làm giảm doanh thu, gây thiệt hại cho tờ báo. Những kẻ trộm cắp ung dung “ngồi mát ăn bát vàng”. Trong khi ai cũng hiểu để sản xuất một tác phẩm báo chí, là công sức lao động của phóng viên và cả một tập thể, phải bỏ mồ hôi, kinh phí, trí tuệ.

Đó là thực trạng đáng buồn nhưng đang diễn ra công khai, tràn lan tại Việt Nam trong những năm qua và gần đây, ngày càng nghiêm trọng hơn. Đó cũng chính là hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại quyền tác giả đối với tác phẩm báo chí của cơ quan báo chí.

Ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ, trình bày tham luận tại diễn đàn “Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí” do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ở TP HCM ngày 5-11 Ảnh: Bích Phượng

Bị phạt đến 3 tỉ đồng, 3 năm tù

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức diễn đàn trao đổi về thực trạng xâm phạm quyền tác giả trong hoạt động báo chí tại TP HCM, với sự tham gia của nhiều cơ quan báo chí.

Tại diễn đàn, đại diện các báo đều bày tỏ sự bức xúc khi các tác phẩm báo chí bị ăn cắp, sao chép tràn lan trên mạng; kiến nghị, đề xuất giải pháp để hạn chế tình trạng này. Trong các giải pháp đưa ra, ngoài việc kiến nghị sửa đổi luật, tăng nặng về chế tài, còn có ý kiến nêu thành lập “liên minh” giữa các cơ quan báo chí để chung tay chống nạn ăn cắp bản quyền hiệu quả hơn. Theo ông Lê Quang Tự Do – Cục phó Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) – việc thành lập liên minh bảo vệ tác quyền giữa các báo là cần thiết và phải đầy đủ các thành phần như: báo chí, doanh nghiệp công nghệ và đại diện cơ quan nhà nước.

Về nguyên tắc bảo vệ quyền tác giả, có nhiều biện pháp mà chủ sở hữu quyền tác giả – ở đây là cơ quan báo chí – có thể vận dụng, sử dụng. Bên cạnh biện pháp hành chính như khiếu nại, tố cáo đến cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm và xử phạt hành chính; chủ sở hữu quyền tác giả còn có thể khởi kiện ra tòa án, yêu cầu bồi thường thiệt hại. Thậm chí có thể tố cáo, kiến nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm quyền tác giả vì mục đích kinh doanh. Ngoài ra, các cơ quan báo chí cần làm việc với chủ sở hữu các trang mạng xã hội như Google và Facebook, đề nghị trả phí tác quyền bằng cách được chia một phần trong doanh thu quảng cáo. Việc này các tổ chức về bảo vệ tác quyền âm nhạc đã làm khá hiệu quả, phía Google có biện pháp trích lại một phần doanh thu từ các kênh YouTube để trả phí tác quyền cho chủ sở hữu tác phẩm âm nhạc thông qua các tổ chức bảo vệ tác quyền âm nhạc.

Theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ, chủ sở hữu quyền tác giả không những được bảo hộ quyền tác giả mà còn có quyền khai thác lợi ích kinh tế, kinh doanh tác phẩm báo chí. Đó chính là “quyền tài sản” đối với tác phẩm báo chí. Bên cạnh nguồn thu từ quảng cáo, hiện ở nước ngoài đã có một vài hãng tin thử nghiệm hình thức thu phí từ người đọc theo tháng. Chẳng hạn, người đọc đóng phí 50.000 đồng/tháng sẽ được xem tin trước và đầy đủ hơn, không chèn quảng cáo. Đây là một hình thức khá hay và đã được truyền hình cáp trong nước triển khai. Ngoài ra còn có một hình thức khác là bán tin – bài (sản phẩm báo chí) cho bên thứ ba sử dụng, đăng lại. Một năm trước, một tờ báo (xin phép không nêu tên) đã từng đặt vấn đề với người viết bài này tư vấn về hợp đồng bán tác phẩm báo chí cho một doanh nghiệp bất động sản. Theo đó, doanh nghiệp có quyền chọn và đăng lại trên website của mình những bài viết đã đăng trên báo với mức phí tương đương khoản nhuận bút bài viết. Đây cũng là một giải pháp hay, mà một tờ báo có thể thực hiện để khai thác tác quyền, qua đó chính là bảo vệ tác quyền của mình một cách hiệu quả.

Theo quy định tại điều 225 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), cá nhân hoặc tổ chức có hành vi xâm hại quyền tác giả với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan” với mức phạt tù lên tới 3 năm. Nếu pháp nhân thương mại phạm tội này thì bị phạt tiền lên đến 3 tỉ đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định. Nhưng trên thực tế, hầu như chưa thấy có trường hợp nào bị xử lý hình sự về tội xâm phạm quyền tác giả trong hoạt động báo chí mà chỉ mới bị xử phạt hành chính hoặc bồi thường dân sự. 

Thành lập tổ bản quyền

Phát biểu tại diễn đàn, nhà báo Đinh Đức Thọ, Tổng Thư ký Tòa soạn Báo Pháp Luật TP HCM, cho biết báo đã thành lập tổ bản quyền, huy động tất cả nhân sự của báo cùng rà soát nhằm phát hiện và đề xuất các biện pháp ngăn chặn kịp thời những trường hợp sử dụng trái phép các tác phẩm báo chí, logo, hình ảnh, video… của báo. Những trường hợp vi phạm báo sẽ gửi văn bản nhắc nhở, đề nghị bên vi phạm hợp tác sử dụng tin tức, sản phẩm do báo sản xuất. Những trường hợp chây ì, tiếp tục vi phạm, báo sẽ khởi kiện ra tòa án.

M.Trí


LS Trần Hồng Phong (Đoàn Luật sư TP HCM)

Chia sẻ