Cuộc chiến khốc liệt nhất trên thị trường smartphone lâu nay nằm ở phân khúc tầm trung. Tuy nhiên, hiện ngày càng có nhiều thương hiệu điện thoại tập trung vào việc cao cấp hóa smartphone phân khúc tầm trung nhằm tăng sức cạnh tranh.

Phân khúc trung cấp chiếm ưu thế

Trước đây, để tự khẳng định công nghệ, nâng cao vị thế thương hiệu, các hãng smartphone tập trung cạnh tranh nhau ở phân khúc cao cấp (ngoại trừ dòng iPhone của Apple vốn ở riêng một cõi). Tất nhiên, đối tượng khách hàng ở phân khúc này chủ yếu là những người dùng giàu có, sẵn sàng xuống tiền, sắm smartphone như một thứ để khẳng định đẳng cấp và như một phụ kiện thời trang.

Giá smartphone cao cấp được đẩy lên ngất trời chủ yếu để duy trì hình ảnh cho chính hãng và cho người dùng ở phân khúc này. Chỉ có điều, giá máy cao nhưng số lượng bán không nhiều, chi phí tiếp thị “khủng” khiến dòng máy này không phải là “con gà đẻ trứng vàng” cho các hãng. Từ vài năm trở lại đây, khi thị trường smartphone bắt đầu bão hòa, phân khúc cao cấp càng bị thu hẹp, phân khúc trung cấp tăng trưởng mạnh khi mức sống người dùng được cải thiện và nhu cầu sử dụng smartphone tăng cao.

Cuộc cạnh tranh ở phân khúc smartphone tầm trung từ giữa năm 2020 là cuộc đấu về công nghệ trên mức giá. Người dùng di động đi từ ngạc nhiên này tới ngỡ ngàng khác khi các hãng đua nhau trang bị cho những chiếc smartphone tầm trung những công nghệ và cấu hình “khủng” mà trước kia có lẽ họ không dám mơ tới trong phân khúc.

Smartphone Vsmart Aris series cho phân khúc trung và cận cao cấpẢnh: VinSmart

Hàng trung cấp có tính năng cao cấp

Trong phân khúc tầm trung, OPPO nổi lên như một điển hình. Từ lâu nay, thương hiệu này đeo đuổi chiến lược nâng cấp dần trải nghiệm người dùng trong phân khúc trung cấp. Theo từng năm, hãng này cũng nâng dần mặt bằng giá lên theo mức sống đang được cải thiện của người dùng, nhất là giới trẻ.

Sự cách biệt giữa các smartphone cao cấp và trung cấp ngày càng giảm, thậm chí xuất hiện nhóm trung gian gọi là “cận cao cấp”. Vào cuối năm 2015, Samsung Vina đã giới thiệu ở thị trường Việt Nam 2 smartphone A series đầu tiên của thế hệ 2 là A5 (6) và A7 (6). Samsung bắt đầu đưa thiết kế và một số công nghệ, tính năng ở phân khúc cao cấp (khung kim loại, lưng kính, kết nối gần NFC…) vào dòng A series cho phân khúc tầm trung vốn ra đời từ năm 2014. Samsung tuyên bố rằng từ năm 2016, với dòng Galaxy A series, người dùng tầm trung có thể trải nghiệm những tính năng và công nghệ chọn lọc vốn chỉ có ở dòng S series cao cấp. Tháng 12-2019, Samsung chọn Việt Nam là thị trường đầu tiên trên thế giới ra mắt Galaxy A51 mở đầu chiến lược mới cho A series 2020. Trong năm 2019, Samsung đưa ra tới 18 mẫu smartphone A series bao đủ số từ A10 tới A90. Trước đây, Samsung ứng dụng các công nghệ và tính năng mới cao cấp và tiên tiến đầu tiên cho các mẫu flagship (thiết bị tốt nhất), sau đó đưa một số công nghệ và tính năng này vào dòng A series. Với mức giá dưới 10 triệu đồng, các smartphone tầm trung luôn là những sản phẩm bán chạy nhất. Đặc biệt là từ đầu năm 2020 tới nay, khi toàn cầu chịu khốn khổ vì đại dịch Covid-19, doanh thu các thương hiệu smartphone chủ yếu dựa vào các sản phẩm tầm trung trở xuống. Chẳng hạn, ở hệ thống Thế Giới Di Động, có tới 14/15 smartphone bán chạy nhất trong quý I/2020 có giá dưới 10 triệu đồng. OPPO vào đầu tháng 9 đã đưa ra thị trường Việt Nam chiếc A53 với màn hình đầu tiên trong phân khúc có tốc độ làm tươi (refresh rate) 90Hz cùng tốc độ lấy mẫu cảm ứng lên đến 120Hz, pin lớn 5.000mAh và sạc nhanh 18W; vi xử lý 8 nhân Qualcomm Snapdragon 460, bộ nhớ ROM 128GB; cụm 3 camera AI. Giá bán chỉ 4.490.000 đồng. Trước đó, vào đầu tháng 8 vừa qua, OPPO đã có dòng smartphone trung cao Reno4 với giá từ 8.490.000 đồng.

Cuối tháng 9, Realme đã giới thiệu tại thị trường Việt Nam bộ đôi smartphone Realme 7 và 7 Pro với nhiều cải tiến như cụm 4 camera 64MP cảm biến Sony IMX682 và sạc nhanh Dart Charge 30W trên Realme 7 hay sạc siêu tốc SuperDart charge 65W của Realme 7 Pro, màn hình 90Hz của Realme 7; giá Realme 7 là 6.990.000 đồng và Realme 7 Pro là 8.990.000 đồng. Giữa tháng 9, thương hiệu smartphone Việt VinSmart đã giới thiệu bộ đôi smartphone trung và cận cao cấp là Vsmart Aris series có cấu hình và thiết kế ấn tượng với giá bán chính thức là 7.490.000 đồng (Vsmart Aris) và 9.990.000 đồng (Vsmart Aris Pro). Riêng Vsmart Aris Pro là một trong vài smartphone đầu tiên trên thế giới ứng dụng công nghệ camera ẩn dưới màn hình được dự đoán sẽ là xu thế trong năm 2021.

Trong khi ở nửa cuối năm 2020, Vivo chủ yếu tập trung cho sản phẩm cao cấp X50 series (giá 12.990.000 đồng và 19.990.000 đồng), thương hiệu này trước đó cũng đã có mẫu V19 cho cận cao cấp và V19 Neo cho trung cao. Xiaomi vốn là một hãng công nghệ có hệ sinh thái đa dạng tương tự Samsung nhưng ở thị trường Việt Nam lại chuyên trị phân khúc tầm trung tới phổ thông (từ gần 2 triệu đến dưới 10 triệu đồng) với nhiều mẫu sản phẩm. Chẳng hạn như trong năm 2020 có các dòng Redmi 9 cho phổ thông, Redmi Note 9 cho tầm trung, Mi Note 10 cho cận cao cấp. Mới đây, một thương hiệu mới trên thị trường Việt Nam là POCO cũng tham gia với chiếc POCO X3 NFC có cấu hình choáng ngợp và mức giá 6.690.000 đồng và 6.990.000 đồng (tùy theo dung lượng ROM).

Cuộc đua cao cấp hóa phân khúc tầm trung trên thị trường di động rõ ràng đem lại nhiều lợi ích cho người dùng. Do không bị áp lực nặng nề về đẳng cấp, họ chỉ cần có được những thiết bị đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của mình với mức giá dễ chịu. 

Đổi quan điểm để thu hút khách hàng

Theo ông Mai Triều Nguyên, Giám đốc điều hành Hệ thống bán lẻ di động Mai Nguyên, việc cao cấp hóa phân khúc di động tầm trung là xu hướng tất yếu. Hiện nhiều công nghệ xưa là cao cấp, nay đã trở nên phổ cập, chẳng hạn 3 hay 4 hay 5 camera, chip, RAM, cấu hình cao. Nhưng cái chính là các hãng buộc phải thay đổi quan điểm để có thể thu hút được khách hàng trong thị trường tầm trung – thị trường chính của họ. Người dùng ở phân khúc tầm trung được hưởng nhiều cái lợi từ xu hướng mới nâng tầm phân khúc này.


PHẠM HỒNG PHƯỚC

Chia sẻ