Chuyển đổi số là quá trình tất yếu mà các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, đều phải thực hiện để chuyển đổi phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số vừa nhằm giảm chi phí vừa tối ưu nguồn lực. Với những DN lưỡng lự, chờ đợi, các lợi ích này sẽ đến chậm hơn hoặc không đến. Vì vậy, DN cần nhanh chóng tiếp cận, ứng dụng để hoạt động sản xuất – kinh doanh hiệu quả.

Trút bỏ gánh nặng công nghệ

Trước đây, trong quá trình tin học hóa, DN luôn phải bận tâm với việc trang bị hạ tầng kỹ thuật (máy tính, mạng LAN, kênh thuê riêng…) và thuê phát triển hay mua các phần mềm ứng dụng. Nhiều DN còn lập ra bộ phận chuyên môn như “trung tâm điện toán”, “trung tâm công nghệ thông tin” hay “phòng tin học”. Chi phí thường xuyên để duy trì hệ thống này chiếm một tỉ trọng khá lớn trong chi phí sản xuất. Vì lẽ này, không ít DN chỉ tin học hóa những khâu thật sự cần nên đa phần hệ thống mang tính rời rạc, hiệu quả khai thác thấp.

Khi chuyển đổi số, DN lựa chọn và thuê các các gói ứng dụng tổng hợp (bao quát toàn bộ công tác hành chính văn phòng như: kế toán, thống kê, nhân sự, lưu trữ…) phù hợp yêu cầu; thuê phát triển các hệ thống điều khiển quá trình sản xuất và triển khai chúng trên không gian số thuê của các nhà cung cấp chuyên nghiệp như các dịch vụ. Theo cách này, DN có được nhiều lợi ích: giảm các chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất và quản lý, được sử dụng hạ tầng số tiên tiến mà không lo bảo trì, nâng cấp.

Vì vậy, DN cần nhanh chóng tiếp cận, làm quen và thực hành các tác vụ như: giao dịch số, chữ ký số, thực hiện khai báo số (hải quan, thuế, bảo hiểm…), quảng bá, tiếp thị số, ký hợp đồng số, thanh toán số… Đây là những hoạt động cơ bản trong bước đầu tạo ra dữ liệu số làm căn cứ cho DN trở thành DN số.

Nhân viên một công ty du lịch đang khai thác nguồn dữ liệu phục vụ cho việc kinh doanhẢnh: NAM GIANG

Liên kết để phát triển bền vững

Trong nền kinh tế tuần hoàn, một DN khó có thể đảm đương được tất cả chu trình tuần hoàn và không thể đứng tách riêng một mình vì DN luôn có ưu thế và hạn chế khác nhau. Ví dụ trong nghề nuôi bò sữa, một DN khó có thể vừa nuôi bò vừa sản xuất thức ăn cho bò vừa chữa bệnh cho bò, vừa vắt sữa và sản xuất các sản phẩm từ sữa bò… Vì thế, DN phải liên kết.

Các chuỗi liên kết thường gặp là liên kết giữa các DN sản xuất, chế biến, logistics và thương mại. Mối liên kết này được hỗ trợ bởi công nghệ chuỗi khối và giao dịch số giúp giám sát trạng thái hoạt động của toàn chuỗi, bảo đảm trách nhiệm của từng mắt xích trong chuỗi và liên kết chặt chẽ giữa các bên tham gia nhằm cùng tạo ra giá trị cao nhất. Việc tham gia được vào một chuỗi liên kết mạnh được xem là yếu tố cơ bản để phát triển bền vững.

Trong nền kinh tế số có 2 điểm khác biệt lớn so với kinh tế truyền thống: không tồn tại khâu trung gian và văn hóa thương mại số. Bởi lẽ, DN nào cũng tham gia vào một chuỗi liên kết cụ thể mà chuỗi nào cũng gắn kết theo một cách nào đó, từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ nên các khâu trung gian bị loại bỏ (không còn thương lái, môi giới…) nên cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng đều được hưởng lợi. Nền kinh tế số lấy người tiêu dùng làm trung tâm nên hình thành đặc trưng văn hóa thương mại hoàn toàn mới: Người tiêu dùng phải được hưởng lợi nhiều nhất, các nhà cung cấp tìm kiếm lợi nhuận từ phần còn lại. Tuy nhiên, chỉ những DN minh bạch thông tin mới được hưởng cái lợi đó vì với công nghệ số, mọi thông tin đều tường minh trên mạng.

Trong nền kinh tế số, việc đổi mới sáng tạo luôn luôn được đề cập đến. Mọi kết quả sáng tạo trong xã hội đến từ các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu hay các chuyên gia được thương mại hóa công khai trên không gian mạng dưới dạng “các gói tri thức”. DN là người thụ hưởng các kết quả sáng tạo đó thông qua hợp đồng thuê bao hay mua đứt. Điều kiện tiên quyết là DN cần tập trung sản xuất ra sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Khi đó, chuỗi liên kết nào cũng muốn mời. 

Xây dựng quy trình chuyển đổi cốt lõi

Theo ông Lê Hải Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, hiện có không ít DN thực hiện chuyển đổi số theo phong trào mà chưa thật sự tìm hiểu cặn kẽ quy trình chuyển đổi hoặc có DN tìm đến các chuyên gia bên ngoài nhưng các chuyên gia tư vấn này lại nhanh chóng đưa ra giải pháp mà chưa thật sự hiểu rõ hoạt động của DN. Đồng thời, vai trò của người đứng đầu cực kỳ quan trọng. Chuyển đổi số là thay đổi quy trình trong hoạt động sản xuất – kinh doanh và thay đổi cả văn hóa DN. Tuy vậy, chưa nhiều DN chú trọng đến những điểm này mà lầm tưởng bằng cách ném tiền vào máy móc, thiết bị, phần mềm và công nghệ mà chưa quan tâm đến việc thay đổi thói quen làm việc, khả năng thu thập, phân tích thông tin, xử lý dữ liệu để khai thác hiệu quả. Phải tạo quy trình chuyển đổi liền mạch toàn bộ hệ thống từ các cấp lãnh đạo đến nhân viên. Khi thiếu quy trình và thiếu tập trung vào các giá trị cốt lõi, DN sẽ thiếu hẳn động lực thúc đẩy sự thay đổi.

M.Nhiên


Nguyễn Tuấn Hoa (Viện Kinh tế xanh)

Chia sẻ