Công ty chip bán dẫn Đài Loan xây nhà máy 12 tỷ USD tại Mỹ

Công ty chip bán dẫn Đài Loan xây nhà máy 12 tỷ USD tại Mỹ

Động thái diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang nỗ lực kéo các chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu khỏi Trung Quốc. Thêm vào đó, Nhà Trắng cũng đang muốn khởi động lại kế hoạch xây dựng các nhà máy sản xuất chip mới tại Mỹ để các công nghệ quan trọng giảm sự phụ thuộc vào châu Á.

Thông báo của TSMC nêu rõ: “Dự án này có tầm quan trọng, chiến lược đối với một hệ sinh thái chip bán dẫn sôi động và cạnh tranh của Mỹ, cho phép các công ty hàng đầu của nước này chế tạo các sản phẩm chip bán dẫn tiên tiến ngay tại Mỹ”.

Theo kế hoạch của TSMC, nhà máy trên dự kiến bắt đầu được xây dựng tại bang Arizona vào năm 2021, tạo ra hơn 1.600 việc làm.

Ngay sau tuyên bố của TSMC, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết việc đầu tư này sẽ thắt chặt thêm mối quan hệ Mỹ và Đài Loan, giúp Mỹ giảm sự lệ thuộc vào sản xuất tại Trung Quốc cũng như “tăng cường an ninh quốc gia Mỹ giữa thời điểm Trung Quốc đang tìm cách thống trị công nghệ tiên tiến và kiểm soát các ngành công nghiệp then chốt”.

Các chuyên gia nhận định việc chấp nhận xây dựng nhà máy mới tại Mỹ có thể sẽ khiến TSMC tiêu tốn hàng tỷ USD, cùng với kinh phí hoạt động cao hơn gấp nhiều lần so với nhà máy tại Đài Loan.

TSMC, có trụ sở chính và các nhà máy đặt tại Đài Loan, là nhà sản xuất chip A-series độc quyền cho các mẫu iPhone và iPad của Apple.

Ngoài Apple, Huawei là khách hàng lớn thứ 2 của TSMC, với doanh thu từ Huawei đạt 5,1 tỷ USD vào năm 2019.

Hồi cuối năm ngoái, Qualcomm cũng đã quyết định trao việc sản xuất chip Snapdragon 865 cho TSMC thay vì Samsung như dự kiến ban đầu.

Ngay từ khi nhậm chức hồi đầu năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cam kết đưa hoạt động sản xuất ở nước ngoài về Mỹ. Giờ đây, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế chao đảo cộng với số người chết vì dịch bệnh đang gia tăng từng ngày càng thôi thúc Mỹ phải chuyển sự phụ thuộc về sản xuất và chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc

Bộ Thương mại, Bộ Ngoại giao cũng như các cơ quan khác của Mỹ cũng đang tìm các biện pháp để thúc đẩy các công ty loại bỏ cả nguồn cung và sản xuất khỏi Trung Quốc. Trong đó, những ưu đãi về thuế và các khoản trợ cấp đang được cân nhắc.

Ở động thái liên quan mới nhất, Tổng thống Donald Trump ngày 14/5 đã gia hạn lệnh cấm đối với tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei đến tháng 5/2021, không cho phép các công ty Mỹ mua và sử dụng thiết bị viễn thông của tập đoàn công nghệ Trung Quốc này.

Xem thêm >> Nga: Hơn 250.000 ca nhiễm Covid-19, đối mặt cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất từ năm 2009