Bộ Công Thương cho biết đã đồng hành cùng Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) và doanh nghiệp từ những ngày đầu tiên các containe hồ tiêu bị mắc kẹt do chính sách hạn chế nhập khẩu hồ tiêu của Nepal đưa ra vào đầu tháng 4-2020. 

Ngay khi nhận được phản ánh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo các cơ quan liên quan sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. 

Theo đó, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (thuộc Bộ Công Thương) đã phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ (kiêm nhiệm Nepal) tiến hành rất nhiều buổi làm việc trực tuyến với các cơ quan đối tác phía Nepal, Ấn Độ; gửi các công hàm của Bộ Công Thương và Sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ (kiêm nhiệm Nepal) sang cơ quan đối tác tại Nepal, Ấn Độ. 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đã trực tiếp ký 2 công thư gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương và Vật tư Nepal (trong tháng 6 và 7) đề nghị phía bạn cho phép giải phóng các container hàng đang mắc kẹt tại cảng, đẩy nhanh quá trình thực hiện các thủ tục giải phóng hàng tại Nepal. Đồng thời, các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng đề nghị đẩy nhanh các thủ tục quá cảnh hàng hóa, kết quả là phía Ấn Độ đã tạo điều kiện thực hiện nhanh hơn so với quy định.

Đại diện một số doanh nghiệp hồ tiêu có hàng bị mắc kẹt ở Nepal, Ấn Độ cung cấp thông tin cho báo chí hồi giữa tháng 7

“Cho đến nay, 61/62 container hàng hồ tiêu của các doanh nghiệp đã về đến Việt Nam, 1 container hàng đang thực hiện các thủ tục cuối cùng để chuyển về Việt Nam. Việc “giải cứu” hồ tiêu thành công đã chấm dứt các chi phí lưu kho bãi phát sinh cho doanh nghiệp. Hơn nữa, trong bối cảnh giá tiêu xuất khẩu đang tăng cao, sau khi kéo được hàng về nước, các doanh nghiệp có thể xuất khẩu sang nhiều thị trường khác để bù đắp các chi phí bị ảnh hưởng do sự việc Nepal tạm ngừng nhập khẩu hồ tiêu vừa rồi” – Vụ Thị trường châu Á – châu Phi đánh giá.

VPA nhận định để đi đến thành công trong việc “giải cứu” hồ tiêu, tái xuất 61 container nói trên phải kể đến sự đóng góp tích cực của Lãnh đạo Bộ Công Thương đã liên tục có những công hàm gửi cho Chính phủ Nepal để việc giải quyết được thuận lợi. Cùng với đó là sự tác động của Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lãnh đạo Hiệp hội Hồ tiêu Thế giới (IPC) cùng các cơ quan truyền thông. 

“Đặc biệt là sự giúp đỡ nhiệt tình của ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ kiêm nhiệm Nepal, cùng CBNV Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ/ Nepal đã không quản trở ngại khó khăn về thủ tục hành chính của Nepal và Ấn Độ, bất chấp sự phức tạp của dịch Covid-19 đang diễn ra, đã trực tiếp gặp các cơ quan chức năng của nước bạn để trao đổi và tìm phương án giải quyết nhanh chóng nhất có thể. Các cuộc họp khẩn cấp lúc nửa đêm được Đại sứ và Thương vụ tổ chức cùng với Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế, VPA và các doanh nghiệp được tiến hành để cập nhật tình hình và đề xuất các bước đi cụ thể” – thông cáo của VPA nhấn mạnh.

Ngoài ra, trong quá trình đó, VPA cùng các doanh nghiệp đã làm việc trực tiếp với các hãng tàu và cảng để xin giảm chí phí phát sinh. Theo đó, các hãng tàu đã nhất trí hỗ trợ giảm phí lưu container; Tân Cảng Sài Gòn và Cảng ICD Tanamexco cũng đồng ý chia sẻ khó khăn cùng các doanh nghiệp. Tổng cục Hải quan Việt Nam cũng chỉ đạo cho Cục Hải quan TP HCM ưu tiên giải quyết các lô hàng kéo về nhằm hạn chế tổi thiểu khó khăn và chi phí cho các doanh nghiệp.

Trước đó, như Báo Người Lao Động đã đưa tin, ngày 25-3, Nepal ban hành văn bản cấm nhập khẩu hồ tiêu, có hiệu lực từ ngày 6-4 mà không miễn trừ cho các lô hàng đã xuống tàu trước thời gian trên khiến 62 container hồ tiêu của Việt Nam, trị giá 3 triệu USD bị “mắc kẹt”.


Tin, ảnh: Ngọc Ánh

Chia sẻ