Đối với bão, hiện nay chúng ta chỉ đối phó một cách thụ động, tức là khi có bão đến thì tìm mọi cách chống chọi được phần nào hay phần đó, chứ chưa có cách chủ động làm giảm sức bão hoặc triệt tiêu trước khi bão vào đất liền.

Tôi xin hiến kế sáng chế “Tổ hợp phát điện dùng năng lượng từ bão” (gọi tắt là tổ hợp). Đây là việc chủ động ngay từ giai đoạn đầu để giúp tiếp nhận được nguồn năng lượng mạnh của bão, cũng như giảm thiểu được sức di chuyển và cường độ lớn mạnh của bão. Khi mới hình thành thì vùng tâm bão cũng như hoàn lưu bão không lớn, do đó việc ngăn cản phần nào sức gió và sóng dễ dàng hơn so với khi bão đã phát triển rộng và vào đến đất liền.

Khi bão hình thành sẽ xuất hiện 3 cấu thành là gió, mưa và sóng. Tổ hợp này có 2 tác dụng là góp phần ngăn cản sức tàn phá của bão; làm chậm, giảm thiểu cường độ di chuyển của gió, mưa, của sóng biển và tạo ra điện khi tiếp nhận các năng lượng gió, mưa và sóng này.

Tổ hợp có 2 bộ phận chính là tua-bin cánh quạt dùng để thu gió phát điện (dạng phong điện) và hộp hấp thụ sóng để biến thành điện. Tổ hợp này có thể hoạt động trong điều kiện thời tiết bình thường, tuy nhiên lượng điện tạo ra sẽ không nhiều như khi có bão. Khi mùa biển lặng, tổ hợp này có thể dùng để làm điểm tham quan du lịch nổi trên biển

Theo ước tính, mỗi tổ hợp kích thước tổng thể 6 m (dài) x 8 m (rộng) x 12 m (cao) kết cấu bằng sắt cùng các thiết bị như tua-bin cánh quạt, mặt dựng thu gió, hộp hấp thụ sóng… Tổ hợp sẽ được bố trí dàn hàng ngang chắn bão dọc bờ biển theo chiều dài khoảng 50 km (3 hàng bố trí so le). Như vậy vùng bờ biển và đất liền với chiều dài khoảng 50 km, chiều cao khoảng 12 m tính từ mặt biển sẽ được hệ thống che chắn bảo vệ, song song đó lượng điện phát ra là rất lớn sẽ đem lại nguồn thu bù đắp khoản đầu tư ban đầu cho tổ hợp.

Khả năng áp dụng tổ hợp này là rất cao bởi vì tổ hợp có kết cấu đơn giản, dễ chế tạo; vật liệu, máy móc thông dụng dễ mua sắm với giá thành cạnh tranh. Việc neo đậu, di chuyển dễ dàng. Giá thành sản xuất chấp nhận được.


Nguyễn Trọng Hào

Chia sẻ