Hãng tin Interfax của Nga cho biết phi công trên chiếc Boeing 777 của hãng hàng không nhà nước Nga Rossiya đã báo cáo vấn đề đối với động cơ bên trái, cụ thể là trục trặc hệ thống cảm biến điều khiển động cơ. Người này yêu cầu được hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Sheremetyevo.

Chiếc Boeing 777 lúc đó đang bay từ Hồng Kông tới TP Madrid – Tây Ban Nha. Nó hạ cánh an toàn và không có ai bị thương. Theo Interfax, máy bay chở cả hàng hoá lẫn hành khách.

Trang web theo dõi chuyến bay Flightradar24 cũng xác nhận máy bay của hãng Rossiya hạ cánh vào sáng sớm 26-2 (giờ địa phương) tại sân bay ở thủ đô Moscow.

Một chiếc Boeing 777 của hãng Rossiya. Ảnh: Flickr

Đầu tháng này, một chiếc Boeing 777 do hãng United Airlines (Mỹ) vận hành phải hạ cánh khẩn cấp xuống TP Denver sau khi một trong các động cơ bị nổ tung, “rải” các mảnh vỡ lớn xuống khu vực dân cư và các sân thể thao.

Cuộc điều tra đang tập trung vào khả năng cánh quạt bị suy yếu do hao mòn. Sự cố này khiến nhà chức trách Mỹ ra lệnh cho các mẫu Boeing 777 sử dụng động cơ Pratt & Whitney 4000-112 ngừng hoạt động.

Flightradar24 xác định chiếc máy bay hạ cánh xuống Sheremetyevo hôm 26-2 là Boeing 777-31H, không sử dụng động cơ Pratt & Whitney. Thay vào đó, nó dùng động cơ General Electric GE90-115B.

Trong một diễn biến khác, quyền giám đốc Cơ quan An toàn Hàng không Dân dụng Úc Graeme Crawford hôm 26-2 thông báo dỡ bỏ lệnh cấm gần 2 năm đối với các chuyến bay đến và đi từ những quốc gia sử dụng máy bay Boeing 737 MAX. Úc là quốc gia đầu tiên ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương dỡ bỏ lệnh cấm này.

Boeing 737 MAX. Ảnh: Reuters

Không có hãng hàng không nào của Úc khai thác loại máy bay Boeing 737 MAX nhưng các hãng Fiji Airways và Singapore Airlines sử dụng chúng trên các chuyến bay đến Úc. Trước đó, Boeing 737 MAX bị cho ngừng hoạt động từ tháng 3-2019 sau 2 vụ tai nạn chết người.

Ngoài Úc, các cơ quan quản lý hàng không Mỹ, châu Âu, Anh, Canada, Brazil và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đều chấp thuận cho Boeing 737 MAX bay trở lại sau khi sửa đổi kỹ thuật và đào tạo thêm cho phi công.

Trong khi đó, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm bay Boeing 737 MAX vào năm 2019 và chưa biết khi nào sẽ dỡ bỏ lệnh cấm.


Phạm Nghĩa

Chia sẻ